Có nên vắt sữa non không?
Ngày càng có nhiều mẹ hiểu được giá trị to lớn của sữa non và muốn tận dụng sữa non trong vòng 72h đầu sau sinh cho con tráng ruột.
Tuy nhiên, đối với các mẹ sinh mổ, bị tiểu đường thai kỳ, có vấn đề về ngực và đầu ti hoặc các bé bị hở hàm ếch, bị cách ly mẹ…rất khó có thể trực tiếp ti mẹ để hưởng sữa non 72h vàng. Từ đó, bắt đầu xuất hiện khái niệm vắt sữa non dự trữ cho con. Vậy có nên vắt sữa non không?
Hiện tại, có 2 luồng tư tưởng trái ngược nhau về việc có nên vắt sữa non không?
Theo quan niệm cũ, vắt sữa non có thể tiềm ẩn các nguy hiểm như sau:
- Tăng nguy cơ chuyển dạ và sinh non
- Có thể xuất hiện cơn co tử cung dồn dập, gây xuất huyết tử cung
- Trước khi sinh, sữa non về ít nên quá trình vắt sữa non khá khó khăn, gây đau đớn cho mẹ
- Tiềm ẩn nguy cơ nhiễm trùng nếu quy trình vắt và bảo quản không đảm bảo vô trùng
- Sữa non nếu vắt sớm, bảo quản lâu sẽ mất dần tác dụng và chất dinh dưỡng vốn có của nó
Theo quan niệm mới, các lợi ích của việc vắt và dự trữ sữa non như sau:
- Có thể cho con tráng ruột bằng sữa non trong trường hợp mẹ bắt buộc phải sinh mổ, con bị cách ly mẹ hay gặp các vấn đề bất thường mà mẹ không thể cho bé ti trực tiếp được.
- Vắt sữa non đúng cách, đúng thời điểm sẽ không bị sinh non
- Để tránh các cơn co thắt hoặc lo lắng sinh non, các mẹ có thể đợi đến sát ngày dự sinh mới bắt đầu vắt sữa non.
- Nhiều mẹ khi bắt đầu thấy hiện tượng chuyển dạ mới bắt đầu vắt sữa non để đảm bảo chất lượng sữa đồng thời kích thích chuyển dạ, nhanh sinh hơn.
- Sau khi mổ xong hoặc ngay sau khi sinh, các mẹ có thể cố gắng chịu đau để vắt sữa non tráng ruột cho con
Tóm lại, mỗi quan điểm đều có điểm lợi và hại khác nhau. Tùy theo mục đích và trường hợp cụ thể của từng mẹ mà quyết định có nên vắt sữa non hay không. Bản thân mình dự định sinh mổ chủ động nên cách ngày mổ 1 ngày mình sẽ vắt sữa non để cho con tráng ruột. Đối với các mẹ dự định sinh thường, có thể cho con bú ngay sau sinh thì không nên vắt sữa non trước nhé!