90% cha mẹ mắc sai lầm khi dùng ngôn ngữ dậy con

Cha mẹ, người thân trong gia đình là những người thầy ngôn ngữ đầu tiên của con trẻ. Cách nói chuyện, dùng từ ngữ của cha mẹ có ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển văn hóa, nhận thức, thái độ sống của bé sau này.

Thế nhưng lại có tới 90% các bậc cha mẹ mắc phải sai lầm khi dùng ngôn ngữ nói chuyện, dạy dỗ con cái. Liệu bạn đã “nói chuyện” với con đúng cách chưa?

1. Phổ biến nhất đó là trường hợp khi trẻ bị ngã, bị đau ông bà, cha mẹ thường hay nói “đánh chừa cái ghế làm ngã bạn cún này”. Cách nói này sẽ làm bé hình thành phản ứng đổ lỗi cho mọi thứ xung quanh. Lúc này mẹ nên nói rằng “Con có bị chảy máu không? May quá không chảy máu, nếu không đã phải đi bác sỹ rồi. Xước một tí chỉ về bôi thuốc là khỏi thôi.” Hoặc khi bé bê cốc sữa từ bếp ra bàn để uống bị đổ ra ngoài, mẹ hãy nói “May thật, may mà con chỉ làm đổ một tí thôi nhỉ. Đổ nhiều thì chẳng còn gì để uống”. Bé vẽ ra ngoài hình tô màu, có thể bảo: “Chỉ hơi ra ngoài tí thôi. Bao giờ tay con khéo hơn thì tất cả các nét sẽ nằm gọn trong hình vẽ”. Cách nói này sẽ giúp con luôn bình tĩnh trước mọi sự việc, nhìn nhận sự việc theo một hướng tích cực. Chuyện đã xảy ra rồi có cáu giận cũng không có tác dụng gì, thay vào đó chúng ta hãy nhìn vào khía cạnh tích cực hơn.

2. Trật tự xã hội là người ít tuổi hơn sẽ “vâng, dạ, ạ” với người lớn tuổi chứ không phải ngược lại. Nhiều bậc phụ huynh thường “vâng, dạ, ạ” với con nhằm mong con bắt chước làm theo. Vấn đề ở đây là chúng ta không nên giáo dục con cái giống như một cái máy mà hãy giúp con hiểu và biết nói những từ đó với những người lớn tuổi, để gặp bất kỳ người lớn tuổi nào bé sẽ biết dùng gọi dạ bảo vâng chứ không phải chỉ với riêng bố mẹ, ông bà.

3. Không nên bắt con ạ đi rồi mới cho cái nọ cái kia. Như vậy chúng ta vô tình đã dạy trẻ mọi thứ đều phải có điều kiện. Muốn con ah, muốn con nghe lời thì phải cho con cái nọ cái kia, nếu không con sẽ không ạ.

 

4. Không dùng các cụm từ tiêu cực với trẻ như “ăn vạ, hư, quấy, lười học, chậm như sên, dốt như bò…”. Trẻ không ăn vạ mà đang thể hiện chính kiến của mình. Trẻ không lười học mà là cách bạn dạy con học không phù hợp, không gây thích thú cho con mà thôi. Bạn hãy cố gắng bình tĩnh, hỏi rõ xem con muốn thế nào để tìm ra cách phù hợp nhất. Dạy trẻ đòi hỏi cha mẹ phải rất kiên nhẫn, tỉ mỉ!

5. Hãy làm một người bạn với con, cùng con vui chơi, học tập thay vì coi mình giỏi hơn con. Nếu bạn để ý sẽ thấy các cô giáo thường nói “Để cô hướng dẫn con trước rồi con tự làm nhé” hay “Cô giúp con một tay nhé?”, chứ không bao giờ cô nói là dạy học. Học tập là một quá trình do con tiếp thu và tích lũy chứ không phải cô chỉ đâu con biết đó, như vậy trẻ sẽ bị thụ động, không có tính sáng tạo.

6. Tuyệt đối không dùng các câu hỏi, câu phủ định hay nói không được thế nọ thế kia với trẻ. Đứa trẻ trong độ tuổi đang khám phá, muốn chứng tỏ bản thân thường làm ngược lại với những gì cha mẹ nói. Bạn để ý, nếu bạn nói “không” trẻ sẽ làm ngược lại cho mà xem.  Vì thế, thay vì nói “Không được nhảy trên giường”, hãy nói “giường là nơi để ngủ con nhé”, “Sao con lại đổ nước ra nhà” thành “Nước để uống, nếu con đổ ra nhà con sẽ bị trơn ngã”. Không những vậy cách nói này còn giúp con biết được mối quan hệ nhân quả nếu cái này sẽ cái kia.

Trong cuộc sống có rất nhiều tình huống bạn cần dùng ngôn ngữ khéo léo đã dạy con. Hãy tôn trọng con, đối xử với con như một thành viên đích thực trong gia đình chứ đừng nên coi con còn nhỏ, chưa biết gì, cần phải dậy dỗ. Cứ nghĩ xem bạn sẽ nói như thế nào với một người lớn trong trường hợp tương tự để cư xử với con như vậy! Nhiều phụ huynh có thể quát con “không được nói to” nhưng với người lớn bạn đâu có nói vậy phải không?